danh mục

video clip



Quảng cáo Quảng cáo Quảng cáo Quảng cáo Quảng cáo Quảng cáo

Thống kê

  Lượt truy cập: 6574773

BIỂN ĐẢO TỔ QUỐC VÀ NGƯỜI CHIẾN SỸ HẢI QUÂN

04/08/2020

BIỂN ĐẢO TỔ QUỐC VÀ NGƯỜI CHIẾN SỸ HẢI QUÂN
 
Được sinh ra và lớn lên khi Tổ quốc đã độc lập, thông qua những trang sách về lịch sử chống giặc ngoại xâm hàng ngàn năm của dân tộc, tôi luôn thấm nhuần câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Đặc biệt khi nghe đến hai từ “chủ quyền” dân tộc, dường như mở ra cho tôi một chân trời mới rằng, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ không có nghĩa là chỉ giữ gìn vùng đất mà còn là bảo toàn cả vùng trời và vùng biển cả bao la. Biển đảo quê hương ta chính là nguồn gấm vóc quý giá của dân tộc, thứ mà ông cha ta biết bao thế hệ đã bảo vệ và gìn giữ bằng máu xương. Chính vì vậy đến ngày hôm nay khi đã được sống trong một điều kiện nhiều thuận lợi, chúng ta lại càng phải biết trân quý và bảo vệ. Nước ta có một lãnh thổ, lãnh hải có nhiều điều kiện vô cùng tuyệt vời, đóng vai trò quan trọng trong quân sự - chính trị - kinh tế, mà không phải quốc gia nào cũng có được. Với đặc điểm địa hình lãnh thổ có đường bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam dài 3260 km, với 28/63 tỉnh thành có biển, điều đó dẫn đến một điều tất yếu rằng một phần lớn kinh tế và đời sống nhân dân Việt Nam là nhờ mẹ biển cả nuôi nấng. Biển cả đã trở thành một con đường giao lưu văn hóa mới giữa các quốc gia dân tộc rất khác nhau, mở ra một cánh cửa mới cho sự kết nối giữa các lục địa khác nhau, mở rộng thêm sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Đối với những người dân miền biển, biển cả không chỉ đơn thuần là một nơi để họ kiếm kế sinh nhai, mà biển cả đã trở thành một người mẹ rất mực kính trọng, lúc nghiêm khắc giận dữ với những cơn bão táp cuồng nộ như để răn dạy những đứa con còn thơ dại, lúc lại rất bao dung, hào phóng cho con tôm cá đầy ghe, cho con một cuộc sống ấm no, sung túc. Ngày nay biển cả không chỉ làm mỗi nhiệm vụ cho chúng ta nguồn hải sản dồi dào, mà hơn thế nữa nó còn đóng góp rất lớn vào nền kinh tế của đất nước với bằng việc con người khai thác bờ biển phục vụ hoạt động du lịch, ngoài khơi xa con người tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí trên các thềm lục địa.
 
Mỗi con người chúng ta cần phải thấu hiểu sự quan trọng của biển đảo trong việc duy trì, giữ gìn và bảo vệ chủ quyền của đất nước. Cần ý thức được rằng mọi mối nguy hại đối với vùng biển của quốc gia đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến cuộc sống yên bình và tốt đẹp của mỗi chúng ta bao gồm sự ô nhiễm môi trường biển và sự đe dọa chủ quyền trên biển của các thế lực thù địch.
 
Ngày hôm nay chúng ta phải công tâm hơn khi dành thêm nhiều tình yêu thương và lòng trân trọng đặc biệt đối với những chiến sĩ đang ngày đêm canh gác nơi đảo xa, chiến đấu ngay cả trong thời bình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. Họ chiến đấu không chỉ là với sóng dữ, bão giật liên miên mà còn là với những thế lực thù địch luông mang trong mình âm mưu bành trướng trên vùng biển của nước ta một cách trắng trợn. Nhắc lại lịch sử chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển của nước ta, nổi bật là trận chiến Gạc Ma 14/3/1988 là sự nhắc nhở mạnh mẽ về tầm quan trọng trong việc giữ gìn chủ quyền biển đảo của đất nước, giặc dữ không làm gì được ta trên đất liền, thì chúng lại ngấp nghé vùng biển cả. Và nhiệm vụ của người lính hải quân lại càng trở nên trọng yếu và nặng nề.
 
Sự hi sinh to lớn của người chiến sĩ hải quân cũng không khác gì người chiến sĩ trong đất liền. Họ chấp nhận rời bỏ quê hương êm ấm, vòng tay mẹ già, người vợ mới cưới, những đứa em thơ để lên đường đi làm nhiệm vụ thiêng liêng. Cuộc sống nơi biển đảo khó khăn muôn bề, ngày đêm hứng chịu sóng gió đại dương, liên tục đối diện nhiều hiểm nguy từ những trận bão rung giật nhà giàn, từ những đợt lượn phướn, xâm phạm bằng tàu của kẻ thù. Những người chiến sĩ luôn phải chuẩn bị cho mình một tinh thần thép, một sự hi sinh vì Tổ quốc có thể ập đến bất cứ lúc nào, thậm chí đó là những cái chết đớn đau, thảm thiết, thân thể mãi làm bạn với biển khơi. Họ không được hưởng niềm vui ấm êm bên cạnh gia đình, vài năm mới được nghỉ phép một lần, nhưng sự sum họp ngắn ngủi ấy làm sao bù đắp được cho họ và gia đình những ngày tháng cách biệt trùng trùng.
 
Biển đảo chính là máu thịt không thể tách rời của quê hương, mất đi một phần chính là nỗi đau đớn của toàn dân tộc. Thế nên thế hệ trẻ chúng ta cần phải có ý thức hơn nữa trong việc giữ gìn và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc trên mọi phương diện, ra sức thi đua làm việc thật tốt để góp phần kiến thiết đất nước. Làm sao cho xứng đáng với những con người vẫn ngày đêm canh giữ nơi đảo xa, bảo vệ từng tấc đất, tấc biển của dân tộc, cho chúng ta một cuộc sống yên bình tốt đẹp. Những nỗi vất vả, hy sinh và nỗi đau của người lính xứng đáng nhận được sự thấu hiểu, trân trọng và yêu thương của chúng ta hơn bao giờ hết./.
 
                                                    Người viết
                                                    Nguyễn Thu Ánh

.